Những mảnh ghép An Giang


Tớ đã suy nghĩ mãi về chủ đề bài viết này. Nên đặt tên thế nào mới toát lên được vẻ đẹp đa dạng ở vùng đất rộng lớn như thế. Và vì rằng còn nhiều góc An Giang tớ chưa thể khám phá hết trong hành trình 3 ngày 2 đêm vội vã. Thế nên trong một khoảnh khắc, cụm từ "những mảnh ghép" hiện lên thấy sao thật hợp.

An Giang trong mắt tớ là một bức tranh đa sắc. Đó là mảng xanh mơn mởn của những cánh đồng trải dài, điểm xuyết nét trầm mặc của rặng thốt nốt và những cây cổ thụ vững chãi. Là sắc xanh đậm đà, đầy bí ẩn của Rừng Tràm Trà Sư. Và còn là những gam màu đa dạng, hoài cổ đến từ các đền chùa, thánh đường của nhiều tôn giáo khác nhau...

Năm 2018 tớ đến An Giang lần đầu tiên cùng với em trai, năm 2024 tớ trở lại nơi đây cùng với gia đình của mình. Có nhiều thứ đã thay đổi. Đường xá rộng rãi, hiện đại hơn, nhiều nhà cao tầng đẹp hơn song khung cảnh rộng lớn xanh ngát có điểm nhìn từ góc sân Chùa Long Sơn (địa chỉ: Vĩnh Phước, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) trên đường lên đỉnh Núi Sam không mấy đổi thay, vẫn thênh thang, rộng lớn như vậy.

Ảnh năm 2018

Khung cảnh ấy 6 năm sau

Chùa Long Sơn mang kiến trúc cổ kính, đặc trưng bởi mái ngói, các vách tường gạch, màu sơn nâu đỏ,... Cổng chính cho khách bộ hành thiết kế theo lối cổng tam quan: 


Những bậc thang dẫn tới khung cảnh chính điện uy nghi với bốn vị thần hộ pháp cao hơn 2 mét, màu trắng được đặt phía trước cửa ra vào. Đi sâu vào bên trong, cậu sẽ bắt gặp một hồ cá tiểu cảnh với nhiều giò hoa lan xinh xắn soi bóng xuống mặt nước. Khuôn viên của chùa mang lại cảm giác bình yên với nhiều tượng phật nổi bật trên nền cây cối xanh mướt.




Khoảng một năm trở lại đây, hồ Tà Pạ (địa chỉ: Xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang) nổi lên như một địa danh có khung cảnh đẹp tựa tranh vẽ. Báo mạng ưu ái ví nơi này là Tuyệt Tình Cốc của An Giang. Người ta từng khai thác đá ở núi Tà Pạ, do vậy đến nay với chiều cao khiêm tốn, núi đã hóa thành đồi. Hồ tạo thành từ hố sâu 7 mét, quanh năm được phủ đầy bởi dòng nước xanh trong vắt tới tận đáy. Trên lối đi vào hồ, có lẽ cậu cũng sẽ giống mình, chân bước nhanh thêm mấy nhịp, tim đập cùng hơi thở có lúc nào đó như ngưng lại trước khung cảnh cánh đồng Tà Pạ rộng lớn, nên thơ nhường này.







Đáng tiếc là, tớ đã không đến Tri Tôn sớm hơn để được nhìn ngắm Cây thốt nốt trái tim nổi bật giữa nền cỏ xanh xen lẫn màu lúa non như trong hàng loạt các thước phim review nhuốm màu điện ảnh. Hiện tại, chùm cây còn đó, khung cảnh đã khác xưa. Xung quanh gốc cây phủ đường bê tông, phía bên cạnh, người ta đã cất ngôi nhà lớn, giống nơi nuôi yến. 


Nếu có thời gian, cậu đừng để lỡ địa điểm Chùa Tà Pạ - ngôi chùa mang dấu ấn Khmer Phật giáo dđậm nét, được xây dựng trên ngọn đồi ở độ cao 45 mét so với mặt đất. Tớ đã rất tiếc khi chưa kịp khám phá nơi này để vội di chuyển tới địa điểm tiếp theo cho kịp giờ tham quan.

Thật vui khi thấy Rừng Tràm Trà Sư (địa chỉ: Ấp Văn Trà, xã Văn Giáo, thị trấn Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã được đầu tư và quy hoạch lại một cách chỉn chu, xinh đẹp, với đường sá thuận tiện hơn rất nhiều. Nhớ lại 6 năm trước, tớ và em trai từng bị lạc khi tìm đường đến đây. Phải nhờ hỏi thăm rất nhiều người dân, hai chị em mới đến được khu vực tham quan. Giờ đây, mọi thứ đã khác. Sau khi mua vé và bước qua cổng chào, cậu sẽ thấy ngay dãy quầy bán đồ giải khát và đặc sản địa phương. Bên cạnh các loại trà nước quen thuộc, còn có những món đồ uống được làm từ cây thốt nốt – đặc sản đặc trưng của An Giang. Tiến sâu vào bên trong qua cây cầu gỗ, cậu sẽ gặp một lối rẽ dẫn đến khu vực nuôi hàng trăm chú chim bồ câu. Ở đây, cậu có thể mua vài bịch thức ăn để "dỗ" chim cùng chụp hình. Đám chim này cực kỳ "phàm ăn", vừa thấy hạt đã vỗ cánh lao tới, đậu đầy cánh tay – một trải nghiệm đáng yêu và thú vị!




Trong này còn có Cây cầu tre dài 10 km được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là "Cây cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam". Tớ đến Rừng Tràm vào khoảng 16h30 nên không kịp thăm quan check in với cây cầu. Nếu muốn "phá đảo" cả khu sinh thái này, cậu nên dành cho nơi đây ít nhất nửa ngày nhé. Lại nói tiếp đến rừng tràm - điểm nhấn chính của toàn khu. Nơi đây "sở hữu hệ động, thực vật phong phú và nguồn thủy sinh vật đa dạng với hơn 150 loài cây cỏ, dược liệu và hơn 140 loài động vật hoang dã, thú quý hiếm khác" (theo: https://www.trasu.vn/). Cảm giác ngồi trên thuyền (chèo tay và thuyền máy) băng qua từng lạch nước, lắng nghe sự dẫn dắt từ những người cầm lái hăng say giới thiệu về đặc điểm cảnh quan, các loài chim gặp trên đường rất thú vị và yên bình. Bên cạnh chuyên môn chính là cầm lái, các chú, các anh còn có tài chụp ảnh bằng điện thoại giúp quan khách ghi lại kỉ niệm tại những điểm check in đẹp. Ngoài ra, khu du lịch bố trí thêm một số trạm có nhân viên chụp hình chuyên nghiệp từ trên cao để khách quan có thể lựa chọn in hình lưu niệm, lấy ngay tại chỗ (tất nhiên là có phí và có trả file mềm trên hệ thống). Chim thường bay về tổ vào buổi chiều tối nên tớ thấy đi tham quan rừng tràm thời điểm 16h00 - 17h30 sẽ hợp lý hơn đi vào ban ngày nhé. 















Người ta nói đến An Giang để du lịch tâm linh, quả không sai. Vùng đất này là nơi sinh sống của bốn dân tộc chính: Kinh, Khmer, Chăm, Hoa và một số dân tộc thiểu số khác. Do vậy, nơi này hình thành nền văn hóa đa bản sắc, sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng với hơn 100 lễ hội truyền thống hàng năm, nhiều nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ, tín ngưỡng,...

Nổi tiếng bậc nhất xứ An Giang là Miếu Bà Chúa Xứ linh thiêng, tọa lạc dưới chân núi Sam (địa chỉ: Phường Núi Sam, tp Châu Đốc, tỉnh An Giang). Được xây dựng đơn sơ từ năm 1820, sau nhiều lần trùng tu, từ năm 1976 đến nay, miếu giữ nguyên dáng vẻ kiến trúc theo dạng chữ "Quốc", "hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, dóc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng" (theo https://www.baogiaothong.vn/). Ngoài khu vực thờ cúng, nơi đây còn trưng bày các vật phẩm cúng Bà từ 10.000 bộ áo mão, 1000 biển vàng và khánh vàng, chén vàng, chén bạc và các loại dây chuỗi,... cho thấy lòng thành kính và biết ơn của người dân đối với Bà.




Cách đấy không xa, dọc theo con phố buôn bán vật phẩm cúng bái, đồ ăn thức uống sầm uất, cậu sẽ tìm thấy chùa Tây An hay còn gọi là Tây An Cổ Tự - một ngôi chùa Phật giáo. Được xây dựng từ năm 1857, sau vài lần trùng tu, chùa mang kiến trúc theo lối chữ "Tam", có phong cách nghệ thuật Ấn Độ kết hợp với kiến trúc chùa cổ Việt Nam. Chùa được công nhận là di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Điểm nhấn của nơi này là tháp thờ Phật cao hai tầng được xây theo hình vòm tròn của các thánh đường Hồi giáo. Phía trước chính điện có tượng hai con voi: Bạch tượng 6 ngà và hắc tượng 2 ngà,... Chính điện thờ tượng Phật, Bồ tát, La Hán, Ngọc hoàng, Huỳnh đế, Thần nông,... 







Trên núi Sam, còn một ngôi chùa nổi tiếng khác là Chùa Hang. Chùa còn được biết đến với tên gọi Phước Điền Tự, mang dấu ấn lịch sử hơn 100 năm tuổi. Kiến trúc chùa được xây dựng thành nhiều tầng, trải dọc theo lối cầu thang lộ thiên uốn lượn bên vách đá dựng đứng. Lối dẫn vào hang động lớn phía sau chùa nổi bật với tượng đôi Thanh Xà, Bạch Xà cao lớn, uy nghiêm canh giữ. Bên trong hang, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các bức tượng Phật và thần linh được bố trí tại nhiều góc, tạo nên không gian thiêng liêng và sâu lắng. Chùa Hang không chỉ là nơi chiêm bái mà còn là điểm tham quan lý tưởng, từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh sắc đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, tận hưởng sự yên bình và thanh thản trong tâm hồn.







Di chuyển tới Tịnh Biên, cậu có thể ghé thăm ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn, với đỉnh cao 705m so với mực nước biển - Núi Cẩm (có tên Khmer là "Pnom ta piel". Khí hậu trên núi quanh năm mát mẻ, nổi bật với phong cảnh thiên nhiên, hồ Thủy Liêm rộng lớn và các công trình kiến trúc tâm linh độc đào như: Chùa Vạn Linh, Thiền viện Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á,... Sau khi thăm quan, chiêm bái và ngồi cáp treo xuống chân núi, cậu có thể ghé thưởng thức món đặc sản gà đốt, bánh xèo rau rừng tại nhà hàng Hoa Anh Đào nằm trên lối ra cổng của khu du lịch. 









Từ Châu Đốc di chuyển đến xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, cậu sẽ có cơ hội hòa mình vào bầu không khí yên bình ở làng Chăm Châu Phong nằm bên dòng sông Hậu thơ mộng, là nơi sinh sống lâu đời của người Chăm theo đạo Hồi. Nơi đây nổi bật với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tạo ra những sản phẩm tinh xảo và rực rỡ, mang đậm bản sắc dân tộc. Trang phục của người Chăm độc đáo với áo dài tay và khăn trùm đầu dành cho phụ nữ, trang phục sarong đơn giản cho nam giới. Ẩm thực địa phương hấp dẫn với các món làm quà đặc trưng như bánh bò thốt nốt nướng, tung laomaow (lạp xưởng bò),... Các thánh đường hồi giáo với nét kiến trúc nổi bật là biểu tượng đặc trưng hình ngôi sao và trăng khuyết, mái vòm tròn cùng khung cửa có rất nhiều hoa văn độc lạ mang dấu ấn của kiến trúc cổ hệt như tuyệt tác nghệ thuật.










Đến với vùng đất An Giang, cậu đừng quên ghé thưởng thức mấy món ẩm thực thú vị, đặc sắc như:
- Chè thốt nốt mủ trôm hạt é thanh mát, giải nhiệt, bán rất nhiều ở các hàng quén ven đường lên Miếu Bà Chúa Xứ.
  

- Món bao tử cá nhồi thịt tẩm bột chiên giòn rụm chấm tương ớt đỏ cay ngọt, ngon đến quên lối về. Xe hàng đặt trên vỉa hè đối diện khách sạn Victoria Châu Đốc (địa chỉ: Số 1 Lê Lợi, Châu Đốc, An Giang). Ngoài bao tử cá, ở đây còn bán đùi ếch chiên và hột vịt lộn. Nhiều khách hàng ghế đến thưởng thức tại chỗ và mua về khiến các cô phải chiên đồ liên tục, không ngơi tay.


- Đến đây tớ mói được khai sáng về món xôi sầu riêng thơm lừng vị nhiệt đới. Nếu có "duyên" ắt sẽ gặp các cô chạy xe đạp bán xôi ngược xuôi nẻo đường Châu Đốc, Châu Phong. Món ăn là sự kết hợp thú vị của xôi nếp dẻo, thịt sầu riêng và đậu xanh đồ nguyên hạt. 


- Nhắc đến An Giang, không thể quên nhắc tới thịt bò Bảy Núi. Gia đình mình được giới thiệu tới dùng bữa tối tại Quán bò Trường Nhựt. Sau khi dùng thử vài món, "bồ kết" nhất với tớ có lẽ là món bò tái chanh rồi đến bắp bò nướng. Riêng món bò cuộn sả với lớp mỡ chài cuốn bên ngoài thật xinh đẹp nhưng cũng thật ngọt so với khẩu vị người miền Bắc.



- Đã ghé miền Tây, nhất định phải thử món lẩu mắm với nước dùng được chế biến từ mắm kết hợp với các nguyên liệu phong phú như tôm, cá, thịt ba chỉ, mực, cà tím. Món ăn thường dùng kèm các loại rau đặc trưng của miền Tây như rau đắng, bông súng, rau muống tạo nên một món ăn hài hòa và đặc sắc. 



- Loanh quanh tại mấy khu chợ địa phương, ngoài các hàng bán bánh bò thốt nốt, cậu ắt hẳn sẽ bắt gặp các xe bán chuối sáp nướng. Chuối sáp thơm dẻo được "tuyển chọn" kỹ lưỡng, phơi nắng, xiên que rồi nướng đều các mặt trên bếp than hồng, khi ăn vẫn giữ được chất dẻo dai, thơm ngọt mà không hề ngấy.


- Gần homestay nhà mình ở, có hàng bán đồ ăn sáng vừa ngon vừa có thực đơn đa dạng các món. Hôm nào cũng thấy có khách quen ghé quán hoặc gọi đặt đồ ăn sáng mang tận nơi. Có hai lần ghé qua mà tớ đã được thử tận bốn món rồi, gia vị rất vừa vặn. 



Để thuận tiện cho việc di chuyển, cậu nên tìm các homestay gần Co.op mart. Tuy nhiên, thông tin về các khách sạn và nhà nghỉ tại Châu Đốc không được phổ biến rộng rãi. Sau khi tham khảo một hai bài dánh giá, tớ đã quyết định đặt phòng tại Hero Hostel & Billards (địa chỉ: Sau lưng siêu thị Co.op mart, đường Trần Nguyên Hãn, Châu Phú B, Châu Đốc, An Giang). Khách sạn còn mới, sạch sẽ, không gian tối ưu với các công năng cơ bản, giá mềm, cho phép mang thú cưng ở cùng và không phát sinh phụ phí. Còn đây là khung cảnh từ khung cửa sổ phòng tớ đặt nhìn ra:



An Giang, 8/2024

Nhận xét